Đọc Sách Giữa Thời Kỳ Công Nghệ Số

Dọc sách in mang lại cảm giác chân thực
 
Trong kỷ nguyên mà thể loại sách nói, sách điện tử, sách đa phương tiện lên ngôi, sách in liệu có bị lãng quên trong văn hóa đọc. Mời bạn đọc cùng QuânVương.vn tìm hiểu thêm trong bài viết này nhé.
 
 

Cảm xúc chân thực đến từ những cuốn sách

 
Khi mà mạng Internet dần trở nên phổ biến, những quyển sách với định dạng file mềm xuất hiện vào những năm 2000, rồi các thiết bị đọc sách điện tử chuyên dụng ra đời, người ta đã đưa ra lời cảnh báo về sự suy tàn của sách in trên toàn thế giới. Cho đến tháng 8/2009, vài năm sau khi ra đời, trên thế giới có hơn 2 triệu đầu sách miễn phí được tải xuống.
 
Khi đó sách in đối mặt với một nguy cơ rất lớn. Sách in vừa xuất bản đến đâu, sách điện tử đã nhanh chóng cập nhật đến đó và đa phần là bị làm lậu.
Các trang website chia sẻ sách điện tử miễn phí ở Việt Nam đều có đội ngũ tình nguyện viên khá chuyên nghiệp để rất nhanh cập nhật những cuốn sách hay và bán chạy nhất ngay sau khi xuất bản không lâu, một số đầu sách được thu phí khi người dùng có nhu cầu sử dụng dù cho đó là “bản lậu”. Rất hợp với xu thế, tiện lợi, nhanh chóng, lại miễn phí hoặc rất rẻ nên sách điện tử đã nhanh chóng như vũ bão.
 
Dọc sách in mang lại cảm giác chân thực
Dọc sách in mang lại cảm giác chân thực
 
Thế nhưng, có một điều lạ là gần 20 năm trôi qua kể từ khi sách điện tử xuất hiện trên thị trường và phát triển ngày càng đa dạng, phong phú thì sách in vẫn không mất đi vị thế của mình trong cộng đồng đọc.
 
Trên một diễn đàn dành cho người đọc ở Việt Nam gần đây có những cuộc khảo sát cho thấy có nhiều lý do để sách giấy vẫn tồn tại và phát triển, ngay cả với thế hệ trẻ, những người có thể cập nhật công nghệ rất nhanh chóng.
 
Lý do được bình chọn phổ biến là đọc sách in sẽ giúp người đọc tách bớt ra khỏi tình trạng lạm dụng smart phone và thiết bị điện tử tràn lan, mang lại cảm giác rất thảnh thơi, cá tính và văn minh khi đọc sách.
 
Bên cạnh đó đọc sách giấy giúp người đọc có cảm giác tập trung hơn, mua sách giấy để ủng hộ những nhà làm sách có bản quyền… Một phần bạn đọc còn có thú vui sưu tầm sách in. Có nhiều người nói rằng “bỏ tiền mua và cầm sách in đọc cảm thấy hay hơn, trân trọng tác phẩm hơn sách số”.
 
Dù việc đọc sách điện tử rất tiện lợi, nhưng nhiều bạn trẻ vẫn yêu thích sách in và chọn sách in song song để thưởng thức, sưu tầm, làm quà tặng, …bởi sách in không chỉ có nội dung mà còn mang theo tình cảm và thói quen văn minh của người đọc. Sách in mang lại đủ loại cảm xúc từ vẻ đẹp của thiết kế bìa sách, cảm giác lật giở, sờ nắm từng trang sách, mùi thơm giấy mới, cảm giác lưu giữ được kỷ niệm, thời gian, cảm giác có kiến thức, …Những cảm xúc rất chân thực.
 
Việc đọc sách in, sách giấy không chỉ là tiếp nhận thông tin kiến thức mà còn sự tận hưởng, thưởng thức cả về không gian, thời gian, cảm giác, tâm hồn. Và đó là điều mà sách điện tử khó có thể mang lại một cách trọn vẹn.
 
 
 

Sách giấy vẫn song hành cùng kỷ nguyên số

 
Để sách in luôn giữ được vị thế của nó không chỉ là do yếu tố từ người đọc mà còn có sự nỗ lực hết mình của những người làm sách. Mặc dù sách in là một thể loại truyền thống, nhưng những người làm sách nhanh nhạy đã biết tận dụng kĩ thuật số để hỗ trợ đắc lực cho sự lan tỏa của sách giấy đến với người đọc. Việc dùng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu, kết nối giữa sách và người đọc. Hay nhiều hội nhóm yêu sách in được lập ra, tạo ra những đề tài hấp dẫn để thu hút những người yêu sách.
 
Thêm nữa, những cuộc thi bình chọn bìa sách đẹp, dự đoán bìa sách, cho độc giả được lựa chọn bìa sách, các tọa đàm, hội thảo về sách, giao lưu khán giả cũng được nhiều nhà xuất bản thường xuyên tổ chức.
 
Công nghệ số phát triển còn được ứng dụng để phát hiện, chống lại những hành vi làm giả, làm lậu, vi phạm bản quyền sách tốt hơn.
 
Gần đây, trào lưu “sưu tầm sách”  một “thú chơi” văn hóa trí thức với những cuốn sách đặc biệt cũng mở ra cho ngành xuất bản sách in một hướng đi mới, sôi động.
Những con số “đẹp” của ngành sách in thời gian qua cho thấy sách in vẫn luôn phát triển song hành, mạnh mẽ trong kỷ nguyên số.
 
Đơn cử như, tại chuỗi hoạt động chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022, tổng doanh thu bán sách đã đạt hơn 5,6 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Đường sách TP.HCM, doanh thu năm 2022 đạt gần 52 tỷ đồng, tăng 113,3% so với năm 2021, số lượng bản sách là hơn 65.000 cuốn, tựa sách mới hơn 3.200 tựa.
 
Gần đây nhất, Lễ hội Đường sách Tết Quý Mão 2023 đã đón trên 585.000 lượt khách tham quan và mua sách, doanh thu đạt hơn 6 tỷ đồng. Số lượng sách đã bán là hơn 2.800 tựa với 41.285 quyển. Đây cũng là năm có số lượng đơn vị tham gia nhiều nhất trong lịch sử 13 năm tổ chức với hơn 20 đơn vị, số lượng người tham quan và mua sách tăng gấp 2 lần.
 
Thêm nữa, các lễ hội sách diễn ra trong năm như Hội sách thiếu nhi, Hội sách mùa thu, Hội sách xuyên Việt… đều thu hút đông đảo bạn đọc tham gia.
Những năm qua, cũng đã có nhiều dự án khuyến đọc được các bạn trẻ thực hiện như các thư viện mini, câu lạc bộ đọc sách, cafe đọc sách, các dự án đổi sách cũ lấy sách mới…
 
Những quyển sách in thơm mùi giấy vẫn có một vị trí không thay đổi trong lòng cộng đồng đọc. Và văn hóa đọc nhờ thế mà cân bằng giữa cũ và mới, giữa sự phát triển, tiến bộ với những giá trị đẹp đẽ cổ truyền dù thời đại số phát triển ra sao.
 
(Nguồn: https://zingnews.vn/suc-hut-cua-sach-in-trong-thoi-dai-so-post1422426.html)
 
 

Việc học qua sách giấy hiệu quả hơn 6-8 lần so với học qua điện thoại, máy tính

 
Nghiên cứu từ Đại học Valencia, Tây Ban Nha, đã cho thấy học từ sách giấy có hiệu quả hơn từ 6-8 lần so với học qua các thiết bị điện tử.
Nghiên cứu mới chỉ ra đọc hiểu sách giấy trong thời gian dài có thể nâng cao năng lực đọc hiểu từ 6-8 lần so với đọc hiểu qua các thiết bị điện tử. Ảnh chụp màn hình The Guardian
 
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Valencia đã phân tích hơn 20 nghiên cứu về năng lực đọc hiểu được công bố từ năm 2000 đến 2022. Những nghiên cứu này có sự tham gia của gần 470.000 người. Và họ đã nhận thấy rằng việc đọc hiểu sách giấy trong thời gian dài có thể nâng cao năng lực đọc hiểu của người học từ 6-8 lần so với đọc hiểu qua các thiết bị điện tử.
 
Các nhà nghiên cứu chỉ ra, điều này có khả năng là do “chất lượng ngôn ngữ của văn bản kỹ thuật số có xu hướng thấp hơn chất lượng ngôn ngữ truyền thống của văn bản in”. Các bài viết trên mạng xã hội đa phần thường mang tính đối thoại, không có các cấu trúc ngữ pháp, lý luận phức tạp và không được kiểm duyệt kỹ lưỡng của nhà xuất bản chính thống.
 
Nói như thế không có nghĩa là phủ nhận vai trò của sách điện tử. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Review of Educational Research cũng cho thấy, dù có tác động tiêu cực giữa việc đọc và hiểu văn bản kỹ thuật số ở học sinh tiểu học, nhưng lại có tác động tích cực với học sinh trung học và sinh viên đại học.
 
Do sự chi phối bởi các yếu tố gây xao nhãng trong khi đọc trên thiết bị kỹ thuật số. “Khả năng điều chỉnh nhận thức của chúng ta phát triển trong thời niên thiếu” và trẻ nhỏ “có thể không được trang bị đầy đủ để tự điều chỉnh hoạt động của mình trong quá trình đọc sách giải trí trên thiết bị kỹ thuật số”.
 
 
Việc học trên sách giấy hiệu quả hơn trên thiết bị điện tử
Việc học trên sách giấy hiệu quả hơn trên thiết bị điện tử

 

Từ các nghiên cứu trên, người ta khuyến cáo rằng việc khuyến khíc các trẻ em độ tuổi tiểu học, trung học đọc sách giấy mang lại khả năng tiếp nhận kiến thức, vốn từ và tập trung tốt hơn.
 

Cần Khuyến Khích Việc Đọc Sách Trong thời đại công nghệ

 
Thực tế hiện nay, nếu lựa chọn giữa sách và điện thoại, tivi thông minh, nhiều người không chọn đọc sách. Đây là vấn đề rất đáng quan ngại.
 
Nhiều phụ huynh và giáo viên thường đánh giá rằng con trẻ bây giờ khô khan, thiếu khả năng viết văn hay việc học tập các môn liên quan đến ngôn từ kém hơn rất nhiều so với trước đây.
 
Trên thực tế, không phải do trẻ em thời nay có khả năng ngôn ngữ kém hơn mà do thời gian trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử như điện thoại, máy tính, smart tivi nhiều hơn. Và việc tiếp xúc với các nội dung trên nền tảng kỹ thuật số thường không được kiểm soát kỹ lưỡng. Vì thế trẻ em có xu hướng tiếp xúc với những nội dung ít chất lượng, thiếu tính nhân văn hơn, thiếu tính đa dạng ngôn từ hay thiếu sự kích thích trí tưởng tượng ngôn từ.
 
Thậm chí việc tiếp xúc lặp đi lặp lại quá nhiều lần một số nội dung nhất định khiến cho trẻ bị ảnh hưởng bởi kiến thức lối mòn, không phát huy được sự liên tưởng và phong phú trong ngôn từ.
 
Hoặc tệ hơn nữa là trẻ tiếp xúc với nội dung thiếu tính giá trị hoặc nội dung độc hại khiến trẻ lệch lạc tư duy. Hoặc tiếp xúc quá nhiều luồng nội dung khiến trẻ bị loạn không tiếp thu được một cách hệ thống.
 
Nên khuyến khích trẻ đọc sách giấy hơn là sách điện tử
Nên khuyến khích trẻ đọc sách giấy hơn là sách điện tử
 
Nếu không cẩn thận thì việc thế hệ tương lai có những suy nghĩ và hành động lệch lạc, thiếu tính nhân văn, thiếu kiểm soát sẽ ngày một nhiều. Liệu rằng văn hóa xã hội sẽ đi về đâu.
 

Hãy chung tay góp sức tích cực cho văn hóa đọc sách trong cộng đồng

 
Hơn bao giờ hết cần có sự khuyến khích để sách in và văn hóa đọc sách giấy được lan tỏa nhiều hơn. Để cân bằng lại thời gian đọc sách hay đọc các thông tin giải trí trên thiết bị điện tử và thời gian thực sự đọc, thực sự học của thế hệ trẻ.
Để làm được điều đó cần sự cố gắng hơn nữa từ các bậc phụ huynh, để nâng cao sự hiểu biết, khả năng học tập cho con em, phát huy truyền thống, văn hóa học tập truyền thống đẹp đẽ bên cạnh những thành tưu tuyệt vời của công nghệ số.
 
Hơn ai hết các vị phụ huynh hãy xây dựng cho mình thói quen đọc sách dù ít hay nhiều. Xây dựng tủ sách gia đình để khuyến khích con trẻ tiếp thu và thực hiện văn hóa đọc sách. Đồng thời có sự ủng hộ để các nhà xuất bản sách in có động lực phát triển sách chất lượng hơn, nhiều giá trị hơn. Hãy chung tay lan tỏa và phát triển văn hóa đọc sách để xã hội ngày một văn minh và tinh tấn.
 
Hãy xây dựng thói quen đọc sách và lan tỏa trong cộng đồng
Hãy xây dựng thói quen đọc sách và lan tỏa trong cộng đồng
 
Trên đây là bài viết bàn luận về việc đọc sách giấy, sách in trong thời kỳ kỹ thuật số. Như một khía cạnh để bạn đọc suy ngẫm và điều chỉnh hay góp sức cho văn hóa đọc tương lai. Quân Vương thiết nghĩ cần khuyến khích cho sự phát triển của các dự án về sách cộng đồng, các mô hình thư viện, cà phê sách, nhà hàng sách, nhà ga sách, sân bay sách,…. Để văn hóa đọc, văn hóa ti thức học tập ngày một rộng rãi.
 
Blog đọc sách này của QuânVương.vn như một cố gắng nhỏ trong vô vàn sự cố gắng để góp phần phát triển văn hóa đọc cộng đồng vậy. Hy vọng rằng ít nhiều có thể mang lại tác dụng tích cực cho cộng đồng. Chân thành cám ơn sự ủng hộ của đọc giả!
 
Nguồn tham khảo: zingnews.vn, báo lao động,…

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

icon back to top